Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

THẦN ĐÔ HUYỀN NHIỆM

CHƯƠNG 5

 * MẸ MARIA HIẾN DÂNG CON CỰC THÁNH LÀM HY LỄ LÊN THIÊN CHÚA CHA HẰNG HỮU; 
* CHÚA GIÊSU RỜI KHỎI NAZARETH.

Tình yêu Đức Hiền Mẫu Maria đối với Con cực thánh phải luôn luôn là tiêu chuẩn theo đó chúng ta đo lường mọi hành động cũng như các nỗi vui buồn suốt cuộc đời Mẹ ở trần gian. Nhưng chúng ta và cả đến các thiên thần không thể nào đo lường sự vĩ đại chính tình yêu của Mẹ Maria, trừ ra bằng tình yêu mà các thiên thần nhìn thấy nơi Thiên Chúa. Tất cả mọi điều từng được mô tả bằng ngôn từ hạn hẹp chúng ta, những lối so sánh và suy luận, bất quá chỉ là phần tối thiểu của toàn thể những gì lò lửa yêu mến linh thánh này thực sự tích chứa. Mẹ Maria yêu Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Cha hằng hữu, đồng bản tính, đồng quyền năng và mọi sự trọn lành với Thiên Chúa Cha. Mẹ Maria yêu Chúa Giêsu là Con đích thực của Mẹ, Con Mẹ vì Chúa là con người, được tạo thành do chính thịt máu Mẹ. Mẹ Maria yêu Chúa Giêsu vì, với tư cách là con người, Chúa là Đấng Thánh trên hết mọi đấng thánh và là nguyên do chính của mọi sự thánh thiện (Dan 9:24). Người đẹp vô song giữa đám phàm nhân (Tv 44:3). Chúa là Con vô cùng thảo hiếu của Mẹ, là Ân Nhân vô cùng rộng lượng của Mẹ, vì chính Chúa, do phận là con, đã nâng Mẹ lên địa vị cao quí nhất giữa muôn loài. Chúa tôn vinh Mẹ giữa muôn loài, trên hết mọi loài bằng các kho tàng thiên tính, ban cho Mẹ mọi đặc ân, phúc lành và thánh sủng vượt trên hết mọi thụ tạo cộng chung lại.

Chỉ có sự khôn ngoan tột đỉnh của Mẹ Maria mới hiểu rõ giá trị các nguyên nhân và nền tảng trên đó tình yêu của Mẹ được thiết lập và hiểu sự khôn ngoan nơi Mẹ cùng với nhiều ân sủng khác nữa. Không một thứ gì có thể cản trở tình yêu nơi trái tim cực trinh khiết Mẹ. Mẹ tột đỉnh thảo hiếu; đức khiêm tốn sâu thẳm làm cho Mẹ trở thành Người Đối Thoại trung thành nhất. Mẹ không nhu nhược yếu đuối, thánh sủng vô cùng dư đầy nơi Mẹ tác động toàn thể hiệu lực. Mẹ không chậm chạp chần chờ, cũng không bất cẩn hững hờ vì Mẹ được tràn đầy lửa yêu mến cực kỳ nồng nàn và chuyên cần. Mẹ không xao lãng quên sót, trí nhớ tuyệt vời của Mẹ không khi nào ngưng xoáy vào các đặc ân Mẹ nhận được cùng các nguyên do và giáo huấn của tình yêu sâu xa nhất. Mẹ sống trong chính tình yêu Thiên Chúa; Mẹ ở trước thánh nhan Chúa, trong học đường yêu thương của Con Mẹ, bắt chước y hệt các việc Chúa làm trong khi có Chúa ở bên. Vầng Trăng Maria đẹp tuyệt vời này, ở độ đầy nhất hướng về Mặt Trời công chính Giêsu, được tách biệt khỏi mọi thứ vật chất trần thế, hoàn toàn biến đổi trong ánh sáng Vầng Thái Dương Giêsu, đã hưởng mọi hiệu lực của tình yêu hỗ tương, các ân sủng và ưu ái của Chúa. Mẹ ở đỉnh cao hạnh phúc khi sắp tới lúc mất đi mọi đặc ân này từ Con Mẹ. Mẹ đau đớn khôn tả khi nghe tiếng Thiên Chúa Cha hằng hữu gọi, như xưa Chúa đã gọi hình bóng Mẹ là Tổ Phụ Abraham, đòi việc dâng hiến ký thác toàn thể tình yêu và hy vọng là Isaac yêu dấu (Stk 22:1) của Mẹ.

Đức Hiền Mẫu biết rõ thời giờ Mẹ dâng hiến Hy Lễ đang dần tới. Con cực yêu dấu của Mẹ đã bước vào tuổi ba mươi, thời điểm được ấn định cho việc đền trả nợ nần mà Chúa gánh đền đã tới. Sở hữu Chúa trọn vẹn là toàn thể hạnh phúc, Mẹ Maria vẫn cho rằng chưa tới lúc mất đi Kho Tàng đó, Mẹ chưa phải chịu điều đau khổ này. Vì thế khi thời điểm tới, Mẹ Maria được bọc trong thị kiến vô cùng cao quí, cảm thấy được gọi và đặt trước tòa Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh. Từ ngai toà Thiên Chúa phát ra lời quyền uy tối thượng: “Hỡi Maria, Ái Nữ và Người Yêu Dấu của Ta, Người hãy dâng cho Ta Con Một vô cùng yêu dấu làm Hy Lễ.” Do quyền năng tối thượng của những lời này, Đức Hiền Mẫu rất thánh được ơn soi sáng hiểu biết thánh ý Đấng Toàn Năng, Mẹ hiểu quyết định Ơn Cứu Chuộc nhân loại qua Khổ Hình và Tử Nạn của Con cực thánh, cùng với tất cả mọi diễn tiến từ nay trong việc rao giảng và cuộc đời công khai của Chúa Cứu Thế. Khi sự hiểu biết này được canh tân và thấu triệt, Mẹ cảm thấy linh hồn Mẹ bị chế ngự bởi những cảm nghĩ vâng phục, khiêm nhượng, yêu mến Thiên Chúa, xót thương nhân loại, lòng trắc ẩn và sự đau buồn cực độ vì mọi điều Con Mẹ phải chịu.

Với trái tim hào hiệp không nao núng, Mẹ đáp lời Đấng Tối Cao: “Lạy Vua hằng hữu, lạy Thiên Chúa Toàn Năng Cao Cả vô cùng khôn ngoan và nhân từ, mọi sự hiện hữu, ngoài Chúa, chỉ do lòng thương xót và lượng cao cả Chúa mà có, Chúa là chúa tể muôn loài. Sao Chúa lại truyền cho con, một con trùng đất hèn hạ, hiến dâng lên theo thánh ý Chúa Người Con, mà do lòng thương chiếu cố Chúa đã ban cho con? Lạy Thiên Chúa Cha hằng hữu, Ngài là của Chúa, vì từ thuở đời đời trước cả sao mai Chúa đã sinh ra Ngài (Tv 109:3), Chúa đã sinh ra Ngài và sẽ sinh ra Ngài đời đời. Nếu con mặc cho Ngài vóc dáng kẻ tôi đòi trong dạ và do máu con, nếu con đã nuôi dưỡng nhân tính Ngài bằng sữa của con và chăm sóc nhân tính Ngài với tư cách hiền mẫu: nhân tính cực thánh này là của Chúa, và con cũng thế, vì con đã nhận được từ Chúa mọi thứ mà con hiện hữu và mọi thứ con có thể cho Ngài. Làm sao con có thể dâng lên Chúa điều là của Chúa nhiều hơn của con? Lạy Đức Vua tối cao, con xưng tụng sự cao cả và lòng nhân từ Chúa bao la vô cùng trong việc ban cho các thụ tạo những kho tàng ân sủng vô tận của Chúa. Để ràng buộc Chúa với các thụ tạo đó, Chúa muốn nhận được của lễ từ họ như của “cho không”, cho dù đó là chính Con Một vô cùng yêu dấu Chúa, Chúa sinh ra Ngài từ bản tính và từ ánh sáng Thiên Tính của Chúa. Cùng một trật với Ngài muôn ơn lành cao cả đã đến với con, từ tay Ngài con nhận được của cải không biết cơ man nào mà kể (Kn.11). Ngài là Gương Thánh Đức cho con, Chất Liệu cho tinh thần, Sự Sống linh hồn, Linh Hồn của cuộc đời con, Chất Bổ Dưỡng mọi niềm vui sống của con. Hiển nhiên là của lễ vô giá nếu dâng Ngài lên Chúa là Đấng duy nhất biết giá trị Ngài. Nhưng trao Ngài vào tay những kẻ thù ác độc để với giá mạng sống Ngài, vốn quí giá hơn toàn thể mọi kỳ công Chúa đã tạo dựng để thoả mãn đức công bằng của Chúa! Lạy Chúa Tối Cao, việc này hiển nhiên là hy lễ vĩ đại mà Chúa đòi hỏi nơi mẹ của Ngài. Tuy nhiên xin đừng để cho ý con mà là thánh ý Chúa được trọn toàn. Xin cho sự tự do của nhân loại nhờ đó được chuộc lại. Xin cho đức công bằng của Chúa được thoả mãn. Xin cho tình thương yêu vô cùng của Chúa được hiển lộ. Xin cho thánh danh Chúa được muôn loài nhận biết và tôn vinh. Con xin đặt Ngài trong tay Chúa trước mặt muôn loài.

Con xin đặt vào tay Chúa Isaac yêu dấu của con, để Ngài được thực sự hiến dâng. Con dâng Con của con, Hoa Trái lòng con, để theo thánh ý bất khả di dịch của Chúa, Ngài có thể đền trả nợ nần thiếu mắc không do lỗi Ngài, mà do tội lỗi con cháu Adong, để trong Tử Nạn, Ngài có thể hoàn tất mọi điều các thánh Tiên Tri, được Chúa soi dạy, đã viết và tiên báo.”

Hy Lễ duy nhất, cao cả nhất, đáng được chấp nhận nhất, được chính Chúa Cứu Thế dâng lên Thiên Chúa Cha hằng hữu từ thuở tạo dựng vũ trụ cho tới tận thế. Hy Lễ Mẹ Maria hiến dâng được liên kết cực độ mật thiết với và giống Hy Lễ Chúa Cứu Thế. Nếu tình yêu thương vĩ đại nhất là hiến dâng chính mạng sống mình vì người yêu, hiển nhiên Mẹ Maria vượt rất xa bất cứ mức độ yêu thương tột đỉnh nào của cả loài người, vì Mẹ yêu thương Chúa Con gấp nhiều lần hơn sinh mạng Mẹ. Nhân loại không ước lượng được tình yêu của Mẹ Maria. Tình yêu của Mẹ Maria chỉ có thể đo lường được bằng tình yêu Thiên Chúa Cha đối với Thiên Chúa Con. Lời Chúa Kitô nói với ông Nicodemo: “Thiên Chúa hết sức yêu thương thế gian đến độ đã ban Con Một của Ngài để không một ai tin vào Con Chúa mà bị hư mất” (Gioan 15:7), cũng có thể được nói trong cùng mức độ về tình yêu của Đức Hiền Mẫu thương yêu. Cũng cách đó và cân xứng, chúng ta mắc nợ Mẹ Maria ơn cứu độ vì Mẹ Maria cũng yêu thương chúng ta hết sức đến độ hiến dâng Con duy nhất của Mẹ để cứu chuộc chúng ta. Nếu Mẹ không hiến dâng Hy Lễ chuộc tội chúng ta theo cách này khi được Thiên Chúa Cha yêu cầu, hẳn Ơn Cứu Chuộc nhân loại đã không được thực thi do cùng quyết định, vì quyết định này phải được hoàn tất với điều kiện là ý của Đức Hiền Mẫu Maria phải trùng hợp với thánh ý Thiên Chúa Cha hằng hữu. Đây là ơn mà con cháu Adong phải đền trả Mẹ Maria rất thánh .

Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh nhận hy lễ Mẹ Maria hiến dâng, lập tức thưởng và đền đáp lại bằng ân sủng đặc biệt để an ủi Mẹ trong nỗi đau buồn, biểu lộ rõ ràng hơn thánh ý Thiên Chúa Cha hằng hữu và các lý do của lệnh Chúa truyền. Vì thế, Mẹ Maria vẫn còn trong thị kiến, được nâng lên mức độ ngây ngất cao cả hơn, trong đó Mẹ được chuẩn bị để trực diện Thiên Chúa. Trong thị kiến này, do việc thấy rõ ràng bản tính Thiên Chúa, Mẹ hiểu Đấng Tốt Lành vô cùng muốn thông ban các kho tàng vô cùng của Chúa cho nhân loại qua các việc làm của Ngôi Lời Nhập Thể. Linh hồn Mẹ tràn đầy hân hoan trước viễn ảnh mọi mầu nhiệm thánh này, Đức Hiền Mẫu thiên đàng canh tân việc hiến dâng Thiên Chúa Con cho Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa an ủi Mẹ bằng bánh ban sự sống là sự hiểu biết cao siêu để với lòng dũng cảm chịu đựng vô địch, Mẹ có thể phụ tá Ngôi Lời Nhập Thể trong Công Cuộc Cứu Chuộc với tư cách là Đấng Đồng Công và Phụ Tá, mà theo sự an bài của Đấng Khôn Ngoan vô cùng đã thực sự xảy ra về sau trong những năm tháng còn lại của cuộc đời Mẹ.

Do các hiệu lực và sức mạnh được thông cho Mẹ trong thị kiến này, Mẹ được chuẩn bị để tạm biệt Thiên Chúa Con vì Chúa đã quyết định ăn chay trong sa mạc sau khi chịu Phép Rửa. Chúa nói với Mẹ: “Thưa Mẹ của Con, Con đã nhận được thân xác nhân tính của Con hoàn toàn từ xương thịt và máu Mẹ, nhờ đó Con đã mặc lấy hình hài kẻ tôi đòi trong dạ trinh khiết Mẹ (Phil. 2:7). Mẹ đã nuôi Con bằng sữa Mẹ, săn sóc Con bằng những vất vả cực nhọc và mồ hôi. Vì lý do này Con cho rằng Con là của Mẹ nhiều hơn bất cứ người nào khác có thề nhìn nhận mình là con đối với mẹ của họ. Xin Mẹ cho phép và đồng ý cho Con chu toàn thánh ý Thiên Chúa Cha hằng hữu. Đã đến lúc Con phải rời khỏi cuộc sống bên Mẹ, khởi đầu Công Cuộc Cứu Chuộc nhân loại. Thời gian an nhàn đã hết, giờ chịu đau khổ để cứu chuộc con cháu Adong đã tới. Con muốn hoàn thành công cuộc này của Thiên Chúa Cha với sự phụ tá của Mẹ; Mẹ sẽ là Người Đồng Hành và Phụ Tá của Con trong việc chuẩn bị cho Khổ Hình Tử Nạn trên Thánh Giá của Con. Lúc này Con phải để Mẹ ở lại một mình, nhưng ơn lành, sự che chở yêu thương và uy quyền của Con luôn ở với Mẹ. Rồi Con sẽ trở về xin Mẹ đồng công và đồng hành với Con trong mọi cực khổ vất vả; vì Con phải chịu mọi đau khổ vất vả đó trong thân xác loài người Mẹ đã cho Con.”

Quì nơi chân Chúa Con, Mẹ nói: “Lạy Chúa và Thiên Chúa hằng hữu của mẹ, mẹ coi sinh mạng mẹ chẳng đáng kể, nếu mẹ có thể cứu được sinh mạng Con, hoặc mẹ có thể chết vì Con nhiều lần. Nhưng thánh ý Thiên Chúa Cha và của Con phải được toàn thành, mẹ hiến dâng ý riêng mẹ làm hy lễ cho việc chu toàn này. Xin hãy nhận lấy, hỡi Con và là Chúa của mẹ; xin cho hy lễ mẹ hiến dâng đáng được chấp nhận, xin cho ơn bảo vệ linh thánh của Con không bao giờ thiếu đối với mẹ. Mẹ không được đi theo Con trong mọi khổ cực vất vả và Thánh Giá của Con là điều đau đớn còn lớn lao hơn nhiều đối với mẹ. Con của mẹ, xin cho mẹ được xứng đáng hưởng đặc ân này, với tư cách là mẹ đích thực của Con, mẹ xin Con cho mẹ đi theo, chia sẻ mọi khổ cực thánh giá của Con để đổi lại hình hài nhân tính Con đã nhận từ nơi mẹ.” Đức Hiền Mẫu cực yêu thương xin Chúa đem theo một ít thực phẩm Mẹ đã chuẩn bị sẵn, hoặc Chúa cho phép gởi tới nơi Chúa sẽ đến. Nhưng Chúa Cứu Thế không nhận thực phẩm như Mẹ nói, đồng thời Chúa soi sáng Mẹ về những gì thích hợp cho biến cố này. Chúa Cứu Thế và Mẹ Maria đi tới cửa ngôi nhà nghèo nàn của Thánh Gia; Mẹ lại quì xin được chúc lành và hôn chân Chúa. Thầy chí thánh chúc lành cho Mẹ rồi khởi đầu hành trình tới sông Jordan, ra đi như Mục Tử hiền lành đi tìm các chiên lạc, vác chúng trên vai, đem chúng trở lại con đường hằng sống mà chúng đã bị lừa dối dụ dỗ đi lạc (Lc 15:5).

Khi Chúa Cứu Thế tìm thánh Gioan Tẩy Giả để nhận Phép Rửa, Chúa đã ở một phần tuổi ba mươi. Chúa đi thẳng tới bờ sông Jordan, nơi thánh Gioan Tẩy Giả đang làm phép rửa (Mt 3:13), Chúa nhận Phép Rửa do thánh Gioan khoảng ba mươi ngày sau khi Chúa tròn tuổi hai mươi chín. Tác giả không thể diễn tả cách xứng đáng nỗi đau đớn của Mẹ Maria trong biến cố Chúa ra đi này; cũng không thể nào mô tả lòng thương yêu Chúa Cứu Thế đối với Mẹ Maria. Mọi ngôn từ đều quá sức thiếu thốn hạn hẹp đối với những gì đã xảy ra nơi trái tim Chúa Con và Mẹ Maria. Thiên Chúa cho phép các hiệu lực này hoạt động trong Chúa Cứu Thế và Mẹ Maria tới cực độ, mức độ thích hợp với sự thánh thiện của cả Mẹ và Con. Thầy chí thánh của chúng ta rảo bước hướng tới mục tiêu Ơn Cứu Chuộc nhân loại mà Chúa bị thu hút bởi sức mạnh tình thương vô cùng.

Lạy Chúa yêu dấu vô cùng của con! Tại sao trái tim chúng con không để cho chúng con gặp Chúa với tình yêu đáp ứng thuận thảo? Tại sao sự hoàn toàn vô dụng của loài người, hơn nữa, sự vong ân bội nghĩa của chúng con, không làm cho Chúa ngưng lại? Lạy Chúa tốt lành và Sự Sống đời đời của con, không có chúng con cũng như có chúng con, Chúa vẫn hạnh phúc vô cùng và trong mọi sự trọn lành toàn hảo, thánh thiện và vinh quang. Chúng con chẳng thêm được chút chi vào những gì Chúa có trong chính Chúa, vì Chúa hoàn toàn độc lập với mọi thụ tạo. Lạy Chúa yêu dấu của con, tại sao Chúa quá lo lắng ưu phiền tìm kiếm, lo lắng săn sóc chúng con? Tại sao Chúa chuộc mua hạnh phúc cho chúng con bằng giá Khổ Hình và Thánh Giá? Hiển nhiên vì tình thương và lòng nhân từ khôn lường Chúa coi hạnh phúc chúng con là hạnh phúc của chính Chúa, chỉ có chúng con cứ khăng khăng miệt mài trong việc tìm vui thú riêng mình chẳng khác gì người xa lạ đối với Chúa và với chính chúng con.

 LỜI MẸ MARIA

 

Con của Mẹ, Mẹ muốn con suy xét và đi ngày càng sâu vào mầu nhiệm con đã viết, ghi khắc trong linh hồn con để bắt chước Mẹ ít nhất một phần nào mầu nhiệm này. Con hãy suy gẫm về thị kiến Thiên Chúa mà Mẹ được trong dịp này, Mẹ được làm cho hiểu giá trị cao cả Chúa ấn định cho các cực nhọc vất vả, Khổ Hình và Tử Nạn của Con Mẹ, cho tất cả những ai sẽ bắt chước và theo Chúa Giêsu trên đường Thánh Giá. Vì biết điều này, Mẹ đã không phải chỉ để cho Con Mẹ chịu Khổ Hình và Tử Nạn, Mẹ còn xin Chúa làm cho Mẹ trở nên bạn đồng hành, đồng công trong mọi phiền sầu, đau đớn thống khổ mà Thiên Chúa Cha hằng hữu đã thuận ban. Khi đó, để khởi đầu theo gót các đắng cay đau khổ của Chúa, Mẹ xin Con và Chúa của Mẹ lấy đi những hoan hỉ trong lòng. Lời xin này được chính Chúa soi sáng cho Mẹ, vì Chúa muốn như thế, vì tình yêu dạy và thúc giục Mẹ. Lòng ao ước chịu đau khổ, các ước nguyện của Thiên Chúa Con dẫn Mẹ tiến tới trên đường chịu đau khổ. Vì yêu thương Mẹ vô cùng, chính Chúa đã cho Mẹ những ước nguyện đó; Chúa làm cho những người Chúa yêu thương phải chịu đau đớn và để cho họ phải chịu khổ cực (Cn 3:12). Mẹ, là Mẹ Chúa, không bị để cho mất ơn đặc biệt giống như Chúa, mà chỉ có ơn đó mới làm cho cuộc sống này đáng quí trọng hơn hết. Lập tức thánh ý này của Đấng Tối Cao, điều Mẹ tha thiết xin, bắt đầu được chu toàn: Mẹ bắt đầu cảm thấy thiếu vắng ơn vỗ về hoan hỉ, Chúa khởi sự cư xử với Mẹ cách nghiêm khắc hơn. Đó là một trong những lý do Chúa không gọi Mẹ là Mẹ, mà gọi là Bà, tại tiệc cưới Cana, dưới chân Thánh Giá (Gioan 2:4, 19:26), và trong nhiều dịp khác, khi Chúa giữ lại những lời yêu thương dịu dàng. Đây không phải là dấu chỉ sự giảm thiểu tình yêu thương của Chúa, mà đúng ra là sự tinh lọc sâu sắc tình yêu, Chúa làm cho Mẹ giống Chúa trong những đau khổ được chọn làm kho tàng sản nghiệp vô giá của Chúa.

Nhờ đó con sẽ hiểu sự ngu dại và lầm lẫn của loài người. Họ trôi giạt rất xa khỏi đường ánh sáng, khi mà, theo một định luật, hầu như tất cả mọi người đều cố gắng hết sức để trốn tránh vất vả cực nhọc đau khổ, sợ hãi con đường hãm mình và đường Thánh Giá vương giả an toàn. Bị nhận chìm bởi điều dại dột giả trá lừa đảo này, người ta không những chỉ ghê tởm việc bắt chước Chúa Kitô và Mẹ chịu đau khổ, mà họ còn tự mình tước bỏ nguồn ân sủng đích thực cao quí nhất của cuộc sống. Tự làm cho việc họ hồi phục trở nên bất khả, vì tội lỗi làm cho người ta yếu đuối, mà thuốc duy nhất chữa tội lỗi là chịu đau khổ. Người ta phạm tội vì ham mê hèn hạ, gớm ghét sự đau khổ lo buồn, trong khi đó đau khổ làm cho người ta được ơn tha thứ của Vị Chánh Án chí công. Nhờ lo buồn đau đớn thống hối, những hậu quả tội lỗi được làm nhẹ bớt; quá độ về dâm dục và cuồng vọng bị nghiền tan; tính kiêu căng và thái độ ngạo mạn được làm cho khiêm tốn; xác thịt bị khắc phục. Do lòng thống hối ăn năn, các khuynh hướng về điều ác độc, về các thụ tạo, về cảm giác và trần thế, được kiềm chế; việc xét đoán được rõ ràng; ý nguyện được đặt trong giới hạn, những chuyển động rời rạc do các dục vọng được điều chỉnh lại cho đúng. Cũng nhờ lo buồn vì tội lỗi, tình yêu và lòng thương xót của Chúa được kéo xuống trên những người bị đau khổ, những người kiên trì chịu đựng đau khổ, hoặc tìm chịu đau khổ để bắt chước Con cực thánh Mẹ. Với khoa học đau khổ này mọi kho tàng được chúc phúc của loài người được canh tân. Những ai trốn chạy đau khổ là những người điên khùng, những ai không biết gì về khoa chịu đau khổ là những người khờ dại.